Lần đầu tiên, Hà Đông mở lòng về câu chuyện vui, buồn liên quan tới Flappy Bird.

Ảnh chụp Hà Đông của tạp chí Rolling Stone.
Tạp chí Rolling Stone đã tìm đến Hà Đông vào một buổi sáng tháng Ba.
Ban ngày, Hà Đông là một nhân viên lập trình thiết bị định vị cho taxi. Khi truyền thông săn lùng anh sau quyết định gỡ bỏ “con gà đẻ trứng vàng” Flappy Bird, anh đã chuyển sang tá túc ở nhà bạn, và hiện giờ vẫn đang ở đó.
Phóng viên Rolling Stone miêu tả anh với một dáng vóc hơi gầy, trẻ con, ngại ngùng giới thiệu bản thân trong lúc đắn đo từng từ một cách thận trọng, như đang xếp các pixel trên một màn hình vậy.
“Tôi chỉ định tạo ra thứ gì đó vui vui để chia sẻ với mọi người, tôi không nghĩ rằng Flappy Bird lại thành công đến thế”.
Lớn lên tại Vạn Phúc, Hà Đông chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ trở thành một lập trình game nổi tiếng. Dù bố anh sở hữu một cửa hàng phần cứng và mẹ làm cho chính phủ, anh hay em trai chưa bao giờ được mua tặng những thứ như máy Game Boys. Nhưng cuối cùng, hai anh em cũng góp đủ tiền mua được một chiếc Nintendo lậu. Choáng ngợp khi được điều khiển những nhân vật chạy trên màn hình, Hà Đông đã dành ra tất cả thời gian rảnh rỗi để chơi Super Mario Bros.
Năm 16 tuổi, Hà Đông đã viết được code cho trò cờ vua trên máy tính. Ba năm sau, khi đang theo học ngành khoa học máy tính tại đại học Hà Nội, anh lọt top 20 trong một cuộc thi lập trình và giành được vị trí thực tập tại công ty game duy nhất ở Hà Nội thời bấy giờ - Punch Entertainment.
Sếp cũ của Hà Đông cho biết nhà lập trình viên trẻ nổi bật vì tốc độ, năng lực và sự độc lập hoàn toàn. “Đông chưa bao giờ cần người theo dõi. Cậu ấy không thấy thoải mái với chuyện đó, nên chúng tôi cho phép anh ấy không phải ở dưới quyền của ai cả”, ông nói.
Hà Đông nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi với việc viết game thể thao. Sau này, khi anh lần đầu tiên chạm vào chiếc iPhone, anh lại nhanh chóng bị thu hút bởi màn hình cảm ứng. Một số game được ra đời sau này lấy cảm hứng từ những trò chơi trên máy Nintendo thuở nhỏ.
“Tôi không thích đồ họa (của Angry Birds), nhìn nó rối quá”, Đông cho biết.
Đông muốn tạo những trò chơi phục vụ người như anh: Bận, vội, luôn luôn dịch chuyển. “Khi bạn chơi game trên smartphone, cách đơn giản nhất là chạm màn hình”.
Trong game Shuriken Block của Đông trước đó, người chơi phải chạm vào các ngôi sao rơi vào đúng thời điểm, nếu không chúng sẽ nảy đi mất. Còn với Flappy Bird, anh quyết định cho phép người chơi chạm vào đâu trên màn hình cũng được.
Hà Đông đẩy Flappy Bird lên mạng sau một đợt nghỉ lễ, không đầu tư vào bất cứ hình thức marketing nào khác. Nhưng nhanh chóng, mọi người đổ xô vào tải trò chơi, chia sẻ trên mạng xã hội về sự bức xúc khi chơi game, khoe với bạn bè về kỷ lục điểm.
Hồi đó, Twitter ngập lụt với các dòng tweet liên quan tới Flappy Bird, con số này chạm mốc 16 triệu tin nhắn. Ngày 17/1, Flappy Bird lên ngôi đầu bảng kho ứng dụng iOS, vài ngày sau, nó thống trị luôn cả Google Play.
“Nhìn thấy trò chơi đứng ở đầu bảng, tôi cảm thấy thật tuyệt vời”, Đông nhớ lại. Cũng như nhiều người, anh choáng ngợp bởi thành công của trò chơi, và dòng tiền lũ lượt đổ về trong tài khoản. Kể cả khi đã chia cho Apple và Google 30%, anh ước tính mình vẫn bỏ túi 50.000USD/ngày.
Nhưng khi đó, anh cũng chỉ tự thưởng một chiếc máy tính Mac mới và rủ bạn bè đi ăn nhậu. “Tôi không sung sướng quá, cũng chẳng hiểu tại sao nữa”. Thậm chí anh còn không kể với bố mẹ về chuyện này. “Bố mẹ tôi không biết gì về game”, Đông giải thích.
Khi Flappy Bird tràn ngập mặt báo, còn các tay săn ảnh của báo chí vây quanh cửa nhà, bố mẹ anh mới để ý. Dù đây là cái giá khá rẻ đổi lại cho sự nổi tiếng và gia tài ngất ngưởng, Đông vẫn thấy ngạt thở.
Nhưng Đông cho biết điều làm anh cảm thấy khó khăn nhất lại là thứ khác. Anh đưa chiếc iPhone cho phóng viên, kéo xuống vài dòng tin nhắn anh lưu lại. Một là từ một người phụ nữ mắng nhiếc anh vì đã “làm con trai tôi tách biệt khỏi thế giới”.
“Đầu tiên, tôi nghĩ họ đang đùa”, anh cho biết, “nhưng sau tôi nhận ra họ đã tự làm tổn thương bản thân”. Hà Đông cho biết anh cũng từng bỏ thi thời trung học vì chơi quá nhiều trò Đột Kích, và anh bị tác động bởi những dòng thư trên.
Đầu tháng Hai, mọi thứ từ những lời trách móc, buộc tội, đồn đoán ùa đến làm anh cảm thấy bức bối. Đông không ngủ được, không tập trung được, không muốn ra ngoài. Bố mẹ anh “lo lắng cho sức khỏe của con trai”. Những dòng tweet của anh trở nên tiêu cực hơn. Cuối cùng, anh quyết định dỡ bỏ Flappy Bird. “Tôi làm chủ số phận của mình. Tôi suy nghĩ độc lập”, Đông khẳng định.
Sau khi Flappy Bird bị dỡ xuống, hàng loạt game nhái đã vọt lên chiếm dụng bảng xếp hạng như Flappy Wings, Splashy Fish, thậm chí cả một game có Miley Cyrus. Theo một nghiên cứu, cứ mỗi phút có 24 trò chơi nhái Flappy Bird ra lò.
“Mọi người có thể bắt chước vì sự đơn giản của nó, nhưng không ai có thể tạo ra một Flappy Bird khác”, Đông khẳng định.
Khi Flappy Bird không còn, lại có những lời khen tặng dành cho anh. Trang game Kotaku đăng một bài xin lỗi Hà Đông vì những cáo buộc vô lý. Ông trùm trò chơi – Bushness – so sánh Flappy Bird với trò chơi đỉnh cao của mình: Pong. “Game đơn giản chơi thích hơn”, ông nói.
Còn với Hà Đông, hàng triệu người chơi Flappy Bird vẫn đem lại hàng chục nghìn USD cho anh. Anh đã nghỉ việc và cho biết anh đang dự định mua một chiếc Mini Cooper và một căn hộ. Anh vừa lấy được tấm hộ chiếu đầu tiên. Từ giờ trở đi, anh chỉ làm việc mà mình yêu thích nhất: Viết game.
Đông cho phóng viên xem ba trò chơi anh đang thiết kế cùng một lúc: Một là trò bắn súng hơi hướng cao bồi, một là trò chơi điều khiến máy bay có tên Kitty Jetpack và một là Checkonaut – “cờ vua hành động” theo lời anh, sắp được ra mắt trong tháng này. Cả ba game vẫn mang đặc điểm quen thuộc: Dễ chơi, đồ họa đơn giản và cực kỳ khó.
Từ khi dỡ Flappy Bird, anh cho biết mình cảm thấy “nhẹ nhõm, và dù không thể quay lại cuộc sống như trước kia, nhưng giờ tôi đã ổn”. Khi được hỏi về những dự tính trong tương lai, anh vẫn từ chối các lời mời mua lại. Đông không muốn thỏa hiệp với sự độc lập của mình.
Khi được phóng viên hỏi rằng liệu có để Flappy Bird bay thêm lần nữa không. Đông cho biết anh “đang xem xét”. Hiện anh chưa tạo bản mới, nhưng nếu có, thì nó sẽ được phát hành kèm một dòng “cảnh báo”, anh tiết lộ. “Làm ơn hãy nghỉ ngơi một chút”, dòng chữ sẽ nhắc nhở.
HNo/Theo Bizlive/Rolling Stone
Bài gốc: http://bizlive.vn/nhan-vat/ha-dong-khong-ai-nhai-duoc-flappy-bird-115387.html