Là kỹ sư cơ khí mới tốt nghiệp bạn sẽ phát triển nghề nghiệp theo hướng nào?
Ảnh: Internet |
Bạn có định hướng, có chiến lược để đạt những thành công sau khi đi làm 3-5 năm hay bạn không có định hướng, không có chiến lược để rồi trở thành kẻ thất bại? Trong khuôn khổ bài viết này, Vungtaujobs sẽ chia sẻ một số thông tin về ngành cơ khí nhằm giúp các bạn kỹ sư cơ khí định hướng trên hoàn cảnh, năng lực cụ thể cho sự phát triển nghề nghiệp bản thân.
Thực trạng các ngành cơ khí đang được được đào tạo ở Việt Nam:
Các trường tham gia đào tạo gồm có: ĐH Bách Khoa TPHCM, ĐH Bách Khoa HN, ĐH SPKT HCM, ĐH Nha Trang, ĐH Hàng Hải, ĐH Mỏ Địa Chất, ĐH Thủy Lợi, ĐH Nông Nghiệp…
Các khoa, viện được phân chia theo ngành: Cơ khí, cơ khí chế tạo, cơ khí động lực, máy tàu, đóng tàu, với các chuyên ngành: Cơ khí chế tạo, cơ điện tử, công nghệ tự động, kỹ thuật công nghiệp, động cơ diesel và máy phụ, khung gầm, điện ôtô, cơ khí hóa, cơ khí ô tô, kỹ thuật nhiệt lạnh, máy xây dựng, máy xếp dỡ, khai thác máy tàu biển, cơ học… Tuy nhiên, thực trạng chung của giáo dục nước ta còn nặng về lí thuyết, thiếu thực hành và kiến thức học chưa sát với nhu cầu doanh nghiệp.
Sau hơn 20 năm mở cửa, hội nhập quốc tế, chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, ngày nay hầu hết các lĩnh vực xây dựng, sản xuất, vận hành, bảo dưỡng tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể theo tiêu tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, sau khi ra trường hầu hết các kỹ sư với nền tảng kiến thức liên quan đến vấn đề cơ khí sẽ phải tìm tòi, học cách để thích nghi. Với hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, Vungtaujobs tổng hợp vòng đời của các công trình công nghiệp liên quan đến cơ khí bao gồm các công đoạn:
1. Thiết kế
2. Xây dựng, quản lí chất lượng công trình, quản lí dự án
3. Vận hành và bảo dưỡng
Các công đoạn này lại được phân chia cụ thể bằng các chuyên ngành hẹp như:
Kết cấu (Structure)
Đường ống (Piping)
Thiết bị quay (Rotating Equipment)
Thiết bị tĩnh (Statistic Equipment)
Thiết bị cơ tự động (Instrument)
Thiết bị điều hòa, thông gió, làm mát (HVAC)…
Nghề cơ khí trong lĩnh vực thiết kế: là kỹ sư thiết kế đường ống, kỹ sư thiết kế kết cấu hay kỹ sư thiết kế thiết bị… Bạn phải là người đam mê lĩnh vực này, là người cẩn thận, tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Làm thiết kế, bạn sẽ không xem việc ngồi hàng giờ trước màn hình vi tính là một điều nhàm chán. Những ai thích giao tiếp, có tính hướng ngoại sẽ không phù hợp với lĩnh vực này. Ngoài ra làm thiết kế bạn phải giỏi các phầm mền đồ họa như Autocad, PVElite, Multi-frame, CADWorx, CAESAR II…
Nghề cơ khí trong lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp có lẽ là đa dạng, phong phú hơn cả. Từ các kỹ sư trực tiếp tổ chức quản lí thi công đường ống, kết cấu, thiết bị, hàn, chống ăn mòn, giàn giáo, nâng hạ, thử áp lực, đấu nối, chạy thử đến các kỹ sư quản lí chất lượng (QC), điều phối dự án, quản lí tiến độ dự án… Trong đó mỗi nghề cụ thể lại cần một hiểu biết chuyên sâu, bằng cấp chứng chỉ nhất định theo chuẩn quốc tế. Thêm vào đó khi tham gia vào các dự án gồm rất nhiều bên liên quan: các phòng ban trong công ty, chủ công trình, tư vấn, nhà thầu chính, nhà thầu phụ, nhà cung cấp… đa số các vị trí công việc đòi hỏi bạn phải hiểu rõ trách nhiệm các bên liên quan trong dự án, khả năng làm việc độc lập cũng như làm việc nhóm, tinh thần hợp tác, khả năng tiếng Anh…
Trong thực tế, Vungtaujobs nhận thấy một xu hướng thú vị và đáng lưu tâm là hầu hết các kỹ sư – những người có kinh nghiệm, đã trải qua các khóa học chuyên sâu, có một trong những chứng chỉ quốc tế, là thành viên của các hiệp hội, hiểu các chuẩn quốc tế như JIS, ASME, ASTM, CSWIP, NDT, Frosio, Nace, Nebosh, PDMS, PMCS, SPR, HVAC & Freezer, Solar Gas Turbine and Gas Compressor, Laser Aligment, Maximo, Amos… thường có mức thu nhập cao, thăng tiến tốt trong nghề nghiệp. Hiện nay đã có một số người Việt Nam đảm nhận những chức danh cao thay thế người nước ngoài như OIM, FM, Field Superintendent, Rig Manager, Barge Captain, Maintenance Manager… với mức lương từ khoảng 4000usd – 6000usd/ tháng.
Vungtaujobs khuyên các kỹ sư cơ khí:
Định hướng nghề nghiệp bằng cách trả lời 7 câu hỏi sau:
Chuyên môn cơ khí mà bạn đã (đang) học là gì? (Cơ khí chế tạo, hàn, động lực, máy tàu biển, thiết kế thân vỏ tàu thủy…)
Ngành nào trong nền kinh tế bạn có thể phát triển nghề nghiệp? (Dầu khí, điện lực, xây dựng công trình, hàng hải, đóng tàu, các nhà máy công nghiệp…)
Loại hình doanh nghiệp nào bạn có thể tham gia tốt nhất? (Nhà nước, tư nhân, nước ngoài, chủ công trình, tổng thầu, nhà thầu phụ… )
Bạn có thể làm việc được ở nơi nào để phát triển nghề nghiệp? Bạn có thể đi xa, ra nước ngoài làm việc được không?
Tiếng Anh, vi tính của bạn đã đáp ứng yêu cầu công việc chưa?
Bạn còn thiếu những chứng chỉ quốc tế gì, các code & standard nào cần thiết cho nghề nghiệp của bạn?
Có ai là người đi trước trong nghề nghiệp có thể tư vấn hiệu quả cho bạn không?
Nói tóm lại, có rất nhiều điều bạn phải tính đến khi định hướng phát triển nghề nghiệp cho mình nhưng có 02 điều bạn phải hiểu rất rõ để thành công:
Hiểu rõ sở trường và sở đoản của bản thân.
Hiểu rõ thị trường: Bạn phải hình dung mình sẽ làm ở đâu, chức danh bắt đầu có thể là gì, và kế hoạch thăng tiến lên chức danh nào trong thời gian từ 3 đến 5 năm tới.
Sau khi định hướng thì ngay lập tức vạch ra những kế hoạch và chiến lược để thực hiện theo mục tiêu đã định hướng.
Nguồn Vungtaujobs