Học ngành cơ khí chế tạo máy ra trường làm gì?

Cơ khí chế tạo máy được coi là trái tim của quá trình công nghiệp hóa và đang có tốc độ phát triển nhanh chóng. Trong tương lai, nhu cầu nhân lực ngành này sẽ tăng cao, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người học. Kỹ sư chế tạo máy có thể đảm nhận việc thiết kế, lên bản vẽ, lắp đặt hoặc gia công máy móc, thiết bị tại các nhà máy, công trình, công ty cơ khí.

Học ngành cơ khí chế tạo máy ra trường làm gì?

                                                                  Ảnh: Internet

Một số trường tuyển sinh ngành cơ khí chế tạo máy

Ngành cơ khí chế tạo máy tuyển sinh khối A, A1, K và có rất nhiều trường đào tạo chuyên ngành này. Phía Nam có các trường như: Đại học Bách Khoa TPHCM, Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Đại học Giao thông vận tải TPHCM, Đại học Công nghiệp TPHCM, Đại học Nông lâm TPHCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Ở phía Bắc, những trường đào tạo ngành này gồm: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Ngoài ra, học sinh còn có thể theo học tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Các kỹ sư tương lai sẽ được học các môn kinh điển như công nghệ chế tạo máy, kỹ thuật đo lường, dung sai lắp ghép, chi tiết máy, sức bền vật liệu, vật liệu cơ khí, máy công cụ, công nghệ CNC… và những môn học như toán, tin giúp phát triển tư duy, kỹ năng tính toán.

Trong các ngành học của cơ khí, cơ khí chế tạo máy là ngành học khó và công việc khá vất vả. Do đó, bên cạnh các kiến thức chuyên ngành, người học phải có sức khỏe, sự đam mê, tình yêu với ngành cơ khí; tư duy logic, óc sáng tạo và tính cẩn thận, kiên trì trong công việc.

Công việc của kỹ sư chế tạo máy là gì?

Các kỹ sư sẽ làm việc ở phòng thiết kế, kỹ thuật, dự án ở những viện nghiên cứu, nhà máy,công ty cơ khí, công trình. Hoặc kỹ sư cơ khí sẽ đảm nhận việc sản xuất, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các sản phẩm cơ khí, máy và dây chuyền thiết bị công nghiệp.

 

Công việc của kỹ sư chế tạo máy bao gồm:

– Thiết kế, lên bản vẽ các loại máy móc, thiết bị cơ khí cho sản xuất như máy thu hoạch trong nông nghiệp; dây chuyền sản xuất đồ uống, thực phẩm; dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất dược phẩm; máy móc đóng gói, đóng chai, đóng hộp…

– Tham gia thiết kế các sản phẩm cơ khí và giám sát quá trình sản xuất các thiết bị đó. Công việc này đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm về gia công chế tạo máy và các phần mềm đồ họa chuyên ngành.

– Thi công, lắp đặt và giám sát việc thi công máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất cho các công trình, nhà máy nhiệt điện, thủy điện, xi măng, đóng tàu…

– Tham gia gia công sản phẩm cơ khí như phay, tiện, hàn, bào, khoan, gia công trên các máy vạn năng CNC tại các xưởng, xí nghiệp hay công ty cơ khí.

– Vận hành, kiểm tra, lập kế hoạch và thực hiện việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, xử lý sự cố các hệ thống máy móc của nhà máy, xí nghiệp, công ty.

Nước ta đang nỗ lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa để hội nhập với nền kinh tế thế giới sau khi gia nhập WTO. Do đó, nhu cầu về máy móc, thiết bị rất lớn khiến cơ hội làm việc trong ngành cơ khí càng trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bạn có thể thăng tiến lên các vị trí cao hơn hoặc làm chủ những cơ sở, công ty cơ khí riêng.

(Tổng hợp)

Đánh giá post này: