Với tốc độ phát triển nhanh chóng của internet cùng với các ứng dụng trong mọi lĩnh vực của máy tính điện tử tạo ra cuộc cách mạng bùng nổ thông tin trên toàn cầu và theo đó là sự phát triển của ngành Mạng máy tính.
Cuộc cách mạng trong quá khứ và hiện tại
Từ những năm đầu tiên phát triển máy tính, việc giao tiếp máy tính đã được đặt lên vị trí rất quan trọng trong việc thiết kế triển khai ứng dụng. Mạng ARPANET được xây dựng từ năm 1969 chính là tiền thân của mạng Internet.
Việc thiết kế các siêu máy tính từ những máy tính đơn những năm 1970 là những nghiên cứu tiền đề cho công nghệ điện toán đám mây (Cloud) ngày nay.
Theo dòng phát triển công nghệ, chúng ta có thể dễ dàng thấy các ứng dụng hiện nay đều trở thành ứng dụng mạng. Ứng dụng mạng được hiểu là các ứng dụng cần hệ thống mạng để hoạt động.
Từ các ứng dụng văn phòng đơn giản như văn bản (word), bảng tính (excel)… cho đến các ứng dụng phức tạp hơn như phần mềm kế toán, quản lý khách hàng, quản lý sản xuất đều hoạt động trên hạ tầng mạng.
Dễ hiểu hơn, ngay cả việc chơi game (ứng dụng giải trí) cũng chuyển thành giải trí trên máy đơn thành giải trí giữa các máy tính. Điều này khiến các trò chơi trở nên hấp dẫn và thu hút nhiều người tham gia hơn.
Hướng tới Internet của vạn vật
Ai cũng có thể thấy những đóng góp to lớn mà mạng Internet đã đem lại.Vậy trong tương lai, mạng Internet sẽ phát triển thế nào?
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc triển khai các ứng dụng từ M2M (Machine 2 machine: máy tính đến máy tính) đang tiến đến mạng IoT (Internet of Things: Internet của vạn vật).
Trong mạng IoT, tất cả các thiết bị đều trở thành một phần tử của mạng Internet, chúng liên lạc, trao đổi dữ liệu, và thực hiện một công việc cụ thể nào đó ví dụ: thu thập thông tin từ môi trường (độ ẩm, nhiệt độ, chất lượng nước), điều khiển giao thông, hay phát hiện truy nhập, hỗ trợ người bệnh, tàn tật…
Các hãng hàng đầu về thiết bị công nghệ thông tin đã đưa ra một khái niệm rất tượng hình đó là “Thành phố thông minh” (SmartCity), trong đó, các phần tử đều có thể tự vận hành, chúng trao đổi liên lạc, cùng xử lý thông tin, thực thi các công việc một cách thông minh nhằm hỗ trợ cho cuộc sống loài người.
Hình ảnh về một thành phố thông minh thật là đẹp và hấp dẫn. Tuy nhiên, đứng ở khía cạnh vận hành và xây dựng thành phố đó thì thật không đơn giản. Làm sao xây dựng hạn tầng đủ mạnh và bảo đảm bảo đảm cho một số lượng rất lớn các thiết bị có thể trao đổi dữ liệu?
Làm sao xây dựng hệ thống thông tin có thể xử lý một khối lượng rất lớn thông tin một cách hiệu quả và chính xác để thành phố thật sự gọi là “thông minh”? Ngoài ra, cũng phải kể đến việc làm sao ngăn chặn những phần tử xấu trong xã hội làm phương hại đến quá trình vận hành của thành phố như thay đổi dữ liệu, ăn cắp thông tin, tấn công các hệ thống làm chúng không thể hoạt động,…
Trong thực tế, đây chính là các mảng công việc của một người kỹ sư mạng: hạ tầng truyền dẫn (mạng trục), hạ tầng thông tin (máy chủ, phần mềm ứng dụng) và an ninh mạng (ngăn chặn, bảo vệ).
HuongNghiepOnline/Theo Vietnamnet