Việt Nam thiếu gần 400.000 lao động CNTT vào năm 2020.

(Huongnghiep.com.vn) – Theo khảo sát của Vụ CNTT, tổng cộng 400 trường đại học có chương trình đào tạo về CNTT trong nước chỉ có thể cung cấp khoảng 600.000 lao động trong ngành CNTT vào năm 2020. Trong khi đó, con số một triệu chuyên gia CNTT trong đề án mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 là chưa đáp ứng đủ.

Việt Nam thiếu gần 400.000 lao động CNTT vào năm 2020.

Như thông tin đăng ký dự thi ngành CNTT năm 2014, lượng thí sinh đăng ký dự thi ngành CNTT tại các trường đều có xu hướng giảm. Sinh viên bị nhiễu khá nhiều thông tin về ngành này, cùng với tình hình đào tạo tràn lan ngày càng làm ngành CNTT mất chỗ đứng trong suy nghĩ của nhiều sinh viên.Tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra thì trong 4 – 5 năm tới thì nguồn lao động sẽ tiếp tục thiếu hụt, không đủ lực lượng đáp ứng cho qui hoạch “Sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”  mà Thủ tướng phê duyệt.

Không những cần cho nhu cầu trong nước, nhân lực ngành CNTT còn phải đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam hoặc xuất khẩu. Ông Tăng Trị Trọng, Giám đốc Kinh doanh toàn quốc của VietnamWorks cũng có chung nhận định: “Nguồn nhân lực cho ngành này không những là mối quan tâm của các đơn vị tuyển dụng trong nước mà còn được cả các công ty nước ngoài săn đón vì khả năng lập trình của kỹ sư Việt Nam khá tốt, làm việc cần cù, chịu khó, học hỏi. Ngoài ra sự phát triển không ngừng của CNTT ở Việt Nam trong thời gian gần đây như thanh toán điện tử, thị trường điện thoại di động, dịch vụ internet không dây, dẫn đến việc tăng trưởng không ngừng về nhu cầu nhân lực trong ngành nghề này”.

Đầu tư lớn cho an ninh thông tin

Cụ thể, là việc Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Công nghệ thông tin, An toàn, an ninh thông tin vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với kinh phí từ ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Đề án là 470 tỷ đồng. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, đào tạo được 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về an toàn, an ninh thông tin chất lượng cao.

Việc giới thiệu chuẩn kỹ năng dành cho những người làm việc trong ngành công nghệ thông tin trong hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin: Chuẩn hóa kỹ năng nhân lực CNTT” do Bộ TT&TT tổ chức tại TPHCM vào ngày 6/6 vừa qua cũng là một giải pháp trong việc phân loại cho từng lĩnh vực CNTT. Sẽ có hai chuẩn kỹ năng, gồm chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT và chuẩn kỹ năng CNTT chuyên nghiệp (ở mức cao hơn). Tuy nhiên nhiều chuyên gia còn lo ngại liệu các chuẩn kỹ năng, các nghề được Bộ TT&TT quy định trong ngành CNTT khi đối chiếu với các ngành nghề trong xã hội có phù hợp hay không.

Ngay từ thời điểm này, nếu nhà nước đánh giá đúng và phân luồng chính xác về đào tạo ngành này sẽ tạo tiền đề cho học sinh ngày càng thấy tầm quan trọng của ngành này và việc tập trung theo học ngành này sẻ ngày càng gia tăng. Nhưng trên hết, chất lượng đào tạo phải thay đổi tích cực hơn nữa nhằm theo kịp tình hình phát triển của đất nước. Chúng ta cùng hi vọng cụm từ “vừa thiếu lại vừa yếu” sẽ không nhắc đến khi nói tới ngành CNTT.

Huognghiep.com.vn tổng hợp.

Đánh giá post này: