Công nghệ Hóa là một trong những ngành chủ lực của ngành công nghiệp sản xuất, mà nước ta là một trong những nơi được đánh giá là địa điểm đang phát triển sôi động nhất trên thế giới.
Ngày càng có nhiều các công ty sản xuất trên thế giới xem Việt Nam là điểm đến quan trọng nhất để cho ra đời những sản phầm mới vì nhiếu lý do khác nhau. Trong đó, sự ổn định về chính trị, nhân công rẻ, có trình độ là một trong những chọn lựa hàng đầu của họ. Vì lẽ đó, ngành công nghệ hóa học ngày càng có chỗ đứng trên thị trường việc làm hiện nay và sau này.
Chúng ta hãy đi tìm lý do tại sao ngành Công nghệ Hóa học lại cần thiết đến thế trong xã hội công nghiệp hiện nay.
Công nghệ hóa học là lĩnh vực đào tạo không thể thiếu trong sự phát triển của đời sống con người: nhóm Chất tẩy rửa (Bột giặt, xà bông, nước rửa chén, nước lau sàn…), nhóm Mỹ phẩm, nhóm Dược phẩm, các lĩnh vực sản xuất nhựa và compozit (chất dẻo, cao su, sơn, keo…), các sản phẩm thuộc silicat và kim loại (gốm sứ, thủy tinh, xi măng, gang – thép…). Vì thế có rất nhiều con đường để bạn theo đuổi một trong những lĩnh vực trên. Tất cả đều có liên quan tới công nghệ hóa học.
Sự hấp dẫn của ngành nghề
Đam mê khoa học, bạn có thể nuôi ước mơ thành Nhà nghiên cứu: liên tục tìm tòi, tạo ra sản phẩm hóa học mới với những tính năng mới, hợp chất hữu cơ hay vô cơ mới, các công nghệ sản xuất mới… là công việc của nhà hóa học trong lĩnh vực Công nghệ Hóa học. Bạn có thể làm một nhà nghiên cứu hóa học từ những nghiên cứu đơn giản như nghiên cứu để giải thích xem tại sao gừng thì cay và muối lại mặn? Cơ chế sinh ra cảm giác đó? …
Cơ hội trở thành Nhà kỹ thuật: là cầu nối biến các nghiên cứu công nghệ trong phòng thí nghiệm thành những dây chuyền sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp để làm ra các sản phẩm chúng ta vẫn dùng hàng ngày. Nhà kỹ thuật sẽ làm việc với bản vẽ, các phản ứng và tính toán từ những khối thiết bị cồng kềnh đến những thiết bị chỉ nhỏ bằng cái ống nghiệm.
Hay Kỹ sư điều hành: trở thành một kỹ sư điều hành nghĩa là bạn sẽ làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, điều khiển và giám sát hoạt động của một hay một số dây chuyền sản xuất. Hoạt động và hiệu quả dây chuyền sản xuất phụ thuộc vào năng lực của bạn.
Một Nhà tư vấn quản lý hay Nhàchuyển giao công nghệ: Bạn đã sở hữu một khối lượng kiến thức khá đầy đủ về Công nghệ Hóa học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở trường. Cộng thêm một thời gian hoạt động thực tế, học hỏi kinh nghiệm, bạn có khả năng trở thành nhà tư vấn về quản lý hay nhà chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất những dây chuyền Công nghệ Hóa học.
Nhà giáo: Nếu bạn say mê Công nghệ Hóa học mà lại có khả năng sư phạm và yêu thích công việc truyền đạt lại khối kiến thức khổng lồ cho các thế hệ đi sau, bạn có thể lựa chọn con đường của một nhà giáo. Lúc này, bạn là cầu nối tri thức, trao kho tàng Công nghệ Hóa học vào tay những người trẻ.
Hiện nay, Kỹ sư Công nghệ Hóa học của Khoa sau khi tốt nghiệp đang làm việc tại các cơ sở sản xuất thuộc những lĩnh vực về Vật liệu kim loại, Vật liệu silicat (ximăng, gốm sứ, sản xuất vật liệu xây dựng, trang trí nội thất…), Vật liệu polymer (gia công chế biến nhựa, cao su, sơn, compozit…), các cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực hóa Dược, Mỹ phẩm, chất tẩy rửa, các Viện nghiên cứu, Trung tâm đo lường và kiểm định chất lượng,… Một số cựu sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, còn được nhà trường cho đi học chuyên sâu tại nước ngoài, để phục vụ công tác giảng dạy tại Khoa.
Tương lai của những Kỹ sư Công nghệ Hóa học.
Hầu hết mọi ngành sản xuất đều cần đến sự tham gia của Công nghệ Hóa học. Điều này có nghĩa là bước chân vào ngành Công nghệ Hóa học, cơ hội làm việc của bạn rất phong phú, dù bạn muốn trở thành nhà nghiên cứu, nhà kỹ thuật, kỹ sư, chuyên gia tư vấn quản lý và chuyển giao công nghệ, nhà giáo hay nhà quản lý tài ba… Công nghệ hóa học là một ngành học khó. Nhưng bạn luôn có những người thầy tuyệt vời bên cạnh. Và cả sự nỗ lực không thể đo đếm hết của những thành tựu từ Công nghệ Hóa học; lớn đến nỗi ta không thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ ra sao nếu như không có ngành nghề này.
Theo Diễm Nhi – ĐH Lạc Hồng.