Khảo sát thị trường: Nghề thu hút giới trẻ

Ngày càng nhiều lao động trẻ, sinh viên chọn làm nghề khảo sát thị trường nhờ công việc không đòi hỏi kinh nghiệm, thời gian làm việc linh động, thu nhập khá

Khảo sát thị trường: Nghề thu hút giới trẻ

Anh Lê Phước Trọng (bìa trái) hướng dẫn khách hàng trả lời bảng khảo sát thị trường. 
Ảnh: Hồng Nhung

Giữa trưa nắng gắt, anh Nguyễn Minh Tiệp (27 tuổi), nhân viên khảo sát thị trường (KSTT) của một công ty chuyên về nghiên cứu thị trường ở quận 1 – TPHCM, đi gõ cửa từng nhà ở một khu dân cư thuộc tỉnh Bình Dương để xin phỏng vấn, lấy thông tin về một số loại nước ngọt. “Nghề KSTT cực lắm, nhiều khi phải nói đến mỏi miệng mà khách hàng vẫn không chịu hợp tác. Nhưng nếu kiên trì, công việc này cho thu nhập ổn định,  tạo thêm cơ hội tiến thân” – Tiệp nói.

Thu nhập khá

Tiệp cho biết anh đã gắn bó với công việc KSTT ở vị trí phỏng vấn viên (PVV) 5 năm. Anh tâm sự: “Tốt nghiệp ngành xã hội học từ năm 2010 nhưng từ lúc còn là sinh viên tôi đã đi làm KSTT. Lúc đầu chỉ vì muốn có thêm tiền để trang trải cho việc học nhưng càng làm tôi càng thích. Sau khi ra trường, tôi quyết định vẫn chọn công việc này”. Theo anh Tiệp,  công việc KSTT không bó buộc thời gian nên anh có thể tham gia cùng lúc nhiều dự án cho nhiều doanh nghiệp, thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn An Như làm công việc KSTT từ khi còn là sinh viên ngành du lịch. Nỗ lực đi lên từ một PVV, hiện nay chị Như là giám sát viên (supervisor) của Công ty Millward Brown. Chị lý giải: “Tôi chọn công việc này vì có thu nhập ổn định, hơn 7 triệu đồng/tháng; giúp tôi trưởng thành và tự tin hơn trong quan hệ, giao tiếp”.

Thu nhập khá hấp dẫn cùng với công việc không yêu cầu khắt khe về kinh nghiệm, thời gian làm việc linh động là những yếu tố khiến KSTT trở thành nghề thu hút ngày càng đông lao động trẻ tham gia. Với sinh viên, làm PVV được xem là một trong những công việc phù hợp để phát triển kỹ năng “mềm” trong các loại hình công việc bán thời gian.

Phải chịu khó, kiên trì

Tuy dễ kiếm tiền nhưng công việc KSTT đòi hỏi rất cao kỹ năng ứng xử, giao tiếp.  Anh Lê Phước Trọng, nhân viên KSTT của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu thị trường Cimigo, nói về kinh nghiệm 4 năm làm PVV của mình: “Khách hàng (người được phỏng vấn) rất khó tính, họ thường từ chối hoặc hay thắc mắc về mục đích của dự án. Những trường hợp như vậy, tôi giải thích cặn kẽ, sẵn sàng cung cấp số điện thoại cá nhân, địa chỉ nhà riêng để họ tin tưởng, hợp tác”.

Tham gia dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau và nhờ trải nghiệm thực tế, anh Trọng tích lũy được vốn kiến thức, kinh nghiệm để trụ với nghề này. Anh giải thích thêm về công việc: “Các bảng khảo sát và nội dung phỏng vấn thường rất phức tạp, PVV không những phải nắm thật vững nội dung khảo sát mà còn phải am hiểu về lĩnh vực mà dự án đề cập để giải đáp thắc mắc của khách hàng”.

Chị Nguyễn Thị Thanh, giám sát viên Công ty Epinion Việt Nam, có thâm niên 8 năm làm KSTT ở nhiều công ty khác nhau. Chị cho biết KSTT không phải là công việc dễ dàng. Để gắn bó và thành công với nghề này, các bạn trẻ phải chịu khó, kiên trì, cũng như luôn phấn đấu  nâng cao kiến thức, chuyên môn, trau dồi kỹ năng quan hệ, giao tiếp.

ÔNG TƯỜNG TUẤN THÔNG,TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY FTA:

Nhu cầu nhân lực sẽ tăng

Các doanh nghiệp ngày càng ý thức và coi trọng hơn việc nắm bắt thông tin thị trường, chủ động KSTT, thói quen, tâm lý tiêu dùng để định hướng phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, những năm tới đây, nhu cầu nhân lực cho ngành này sẽ gia tăng và rất đa dạng. Theo xu hướng chung, nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nhân lực; ngoài đức tính chịu khó, đòi hỏi người lao động làm việc này phải phát huy các kỹ năng về giao tiếp, phân tích, phán đoán… để phục vụ hiệu quả.]

Thanh Nga – Hồng Nhung/Cafehr

Đánh giá post này: