Nghề phóng viên ảnh và những câu chuyện dài

Không kém gì những mẩu tin, bài viết, đôi khi một tấm ảnh còn có “sức mạnh” hơn cả nhiều trang báo. Trên thế giới, các hãng thông tấn lớn như AP, AFP, BBC,… đều rất chú trọng lĩnh vực ảnh báo chí, họ sẵn sang trả rất nhiều tiền để có được những bức ảnh “không ai có”.

Nghề phóng viên ảnh và những câu chuyện dài

Ảnh báo chí và phóng viên ảnh tại Việt Nam hiện nay

Với góc độ là một người “yêu” ảnh, từng làm công tác biên tập ảnh và hiện đang biên tập nội dung, Nhà báo Việt Cường (Báo Thể Thao Văn Hóa) nhận xét: “Hiện nay, đa số ảnh báo chí Việt Nam giống như là ảnh “trả nợ quỷ thần” vậy, không có sáng tạo và rất ít tư duy!”.

 Ý kiến chung của những phóng viên ảnh mà chúng tôi đã gặp, đa số ảnh báo chí hiện nay mới chỉ dừng ở tầm “minh họa”. Thậm chí, có tòa soạn còn không có đến một phóng viên ảnh chuyên nghiệp. “Không có môi trường tốt thì ảnh không có chỗ đứng. Vì vậy đa phần ảnh trên báo chí chỉ dừng ở tầm minh họa, và rất nhiều tòa soạn ở Việt Nam hiện nay vẫn hài lòng ở cái “tầm” này!” – chia sẻ của phóng viên ảnh Trần Việt Đức (Báo Sài Gòn Tiếp Thị).

 … Đó là chưa kể đến trường hợp, có tòa soạn không có biên tập viên tốt, không “đọc” được ảnh, dẫn đến việc cắt cúp ảnh bừa bãi, hay can thiệp kỹ thuật quá mức,… Cho nên có nhiều trường hợp, ảnh mà phóng viên khó khăn lắm mới chụp được, đến khi về tòa soạn lại nhận một cái “chết” oan uổng… Trưởng ban ảnh - Nhà báo Nguyễn Công Thành (Báo Tuổi Trẻ) nhận định: “Đây là một cuộc chiến kéo dài, chưa có hồi kết giữa phóng viên ảnh và tòa soạn, cả ở báo chí Việt Nam và nước ngoài. Để đi đến sự hiểu nhau, đó là vấn đề tổ chức tòa soạn, điều này là rất khó và cần nhiều thời gian”.

 Phải thừa nhận rằng, hiện nay, tại Việt Nam chưa có nơi đào tạo phóng viên ảnh chuyên nghiệp. Việc tìm kiếm và phát hiện, từ đó đào tạo, bồi dưỡng đúng mức là tùy ở nhận thức và điều kiện của mỗi tờ báo.

 Những cái “khó” không thể lường hết

 Là “người đá bóng bằng hai chân”, bắt đầu sự nghiệp bằng phóng viên ảnh, rồi vừa chụp ảnh vừa viết bài, phóng viên Vũ Thanh (Báo Đại Đoàn Kết) chia sẻ: “Người làm báo viết, với câu chữ trong đầu – khi có thông tin, họ có thể vận dụng để viết trong nhiều trường hợp, và đôi khi không cần phải đến tận hiện trường. Còn làm phóng viên ảnh, thì bắt buộc phải có mặt ở hiện trường”. 

Chưa kể, đôi khi người phóng viên ảnh phải dấn thân vào những nơi sôi động nhất, “nóng” nhất, hiểm nguy nhất. Như những kỷ niệm tác nghiệp của phóng viên ảnh Nguyễn Hoàng Hà (Báo VnExpress): Có những lần lao vào vùng tâm bão ở Nam Định khiến cả người lẫn xe liêu xiêu mà vẫn phải bình tâm, ghìm vững tay lái; đó là lần soi đèn pin dắt xe bì bõm trong nước ngập ban đêm vì chết máy vào đợt lũ tại Hà Tĩnh năm 2010; hay “phi” xe máy từ Hà Nội lên đỉnh Mẫu Sơn cao vút để chụp ảnh băng giá trong tiết trời dưới 0 độ, đến tối ngủ phải mặc nhiều lớp áo khoác, đắp nhiều chăn mà không khỏi rét,… Và không thể khác, phóng viên ảnh cần phải có mặt trước khi sự kiện diễn ra, như ví von của Nhà Báo Nguyễn Công Thành: “Làm báo mà chậm chân là coi như… uống nước đục!”. 

Và khi đã đến nơi, để có những bức ảnh “đắt” thì người phóng viên ảnh phải tiếp cận, tiếp cận đến khi… không còn tiếp cận được nữa. Việc này cũng gặp nhiều trở ngại. Bởi, đôi khi trong những sự kiện có quá nhiều phóng viên chen lấn xô đẩy, hoặc khi phải chụp những vấn đề tiêu cực, mà phương tiện tác nghiệp (máy ảnh) thì không thể nào… giấu vào đâu được. Và điều quan trọng mà ít tai để ý, đó là người phóng viên ảnh cũng nắm rất rõ luật pháp để tự bảo vệ mình, bảo vệ tác phẩm của mình khi cần thiết.         

Sau nữa, đòi hỏi công việc của một người phóng viên ảnh là phải đi nhiều, quan sát nhiều, có khả năng viết, phải tư duy để phát hiện đề tài, và thực hiện được đề tài mà tòa soạn giao… Vì thế, người phóng viên ảnh nhất thiết phải có thể lực, sức khỏe, phải mau chóng thích nghi với môi trường làm việc; luôn luôn học hỏi, cập nhật liên tục những kỹ thuật hiện đại, đam mê công việc, ý chí kiên cường mới có thể đối đầu với gian khổ. 

Chụp ảnh báo chí – không bao giờ được… tự hài lòng 

Ngoài việc phải chụp thật trung thực sự việc, không chấp nhận việc sắp đặt, thì không có một nguyên tắc chung nào trong việc chụp ảnh báo chí. Có thể cùng thể hiện một sự kiện, nhưng chắc chắn một trăm phóng viên ảnh sẽ cho ra hơn 100 góc ảnh khác nhau. Theo chia sẻ của phóng viên ảnh Trần Việt Đức (Báo Sài Gòn Tiếp Thị): “Ảnh báo chí không chỉ thông tin đầy đủ đến bạn đọc, mà theo tôi, còn phải mang tính sáng tạo, luôn luôn đổi mới. Người phóng viên ảnh không bao giờ hài lòng với những ảnh đã chụp được. Ví dụ, chụp đề tài về bất động sản, nếu là biên tập, họ chỉ cần chụp một ngôi nhà cao tầng, một khu chung cư, đơn giản, để minh họa là xong (!). Hình ảnh ấy theo tôi là rất “chán” bởi không có tính tư duy đằng sau. Nếu là một phóng viên ảnh tốt, thì phải sáng tạo hơn, ví dụ họ có thể chụp những bãi diều, những quán nhậu,… để thể hiện sự kiện bất động sản “đóng băng”. 

Chúng tôi có dịp được tiếp xúc và trao đổi với những người đã và đang đeo đuổi nghiệp chụp ảnh báo chí, đa số họ đều có chung nhận định: “Làm phóng viên ảnh ở Việt Nam rất khó sống”. Bởi, với điều kiện tác nghiệp khó khăn, mà tình hình báo chí ở Việt Nam hiện nay như đã nói ở trên, thì mức nhuận ảnh chưa tương xứng là điều dễ hiểu. Như chia sẻ của Nhà báo Việt Cường: “Đã qua rồi thời chiến tranh, người ta sống bằng lý tưởng và ảnh của họ là một điều gì đó, giống như tôn giáo vậy, đẹp vô cùng. Nhưng khi ảnh phải sống bằng nồi cơm thì khác hẳn. Đâu đó cũng có những “lóe sáng” nhưng ít lắm, và cũng ít trường hợp bám nghề thật sự”.         

Theo nhận xét của nhiều người, hiện nay chỉ có một số tòa soạn báo tại TP.HCM như  Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Tiếp Thị, Sài Gòn Giải Phóng, là trả nhuận ảnh cho tác giả ở mức… công bằng. Nhà báo Nguyễn Công Thành đã 33 năm công tác tại Báo Tuổi Trẻ, cho biết: “Đối với Báo Tuổi Trẻ, hiện nay, nhuận ảnh bình quân là 150 ngàn đồng cho ảnh của phóng viên, và 200 ngàn đồng cho một bức ảnh của cộng tác viên. Mà khả năng và tầng số xuất hiện của một phóng viên ảnh trên báo lại cao hơn bài báo của một phóng viên viết. Vì thế, trong một môi trường cạnh tranh, nếu như người phóng viên chịu khó, làm việc nghiêm túc, thì thu nhập có thể đứng hàng khá trên mặt bằng chung của xã hội hiện nay”. 

Tuy khó khăn và cay nghiệt trong nghề là vậy, nhưng vẫn có những gương mặt trẻ yêu thích, nuôi dưỡng ý định bám nghề. Tôi đã có dịp tiếp xúc với phóng viên trẻ Thuận Thắng (Báo Tuổi Trẻ), dù mới ba năm trong nghề, nhưng với tinh thần làm nghề một cách nghiêm túc, anh đã được tòa soạn tin tưởng cử đi tác nghiệp ở nhiều nơi có sự kiện nóng; nhiều tác phẩm ảnh báo chí của anh được cử dự thi và đoạt giải ở nhiều cuộc thi ảnh báo chí. Thuận Thắng tâm sự: “Khi cầm máy, là tôi quên hết mọi thứ, có thể lăn lê bò toài đủ cả, chỉ nghĩ đến việc mình sẽ bấm máy như thế nào, chú ý để bắt khoảnh khắc, và bức ảnh sẽ ra sao,… chứ không còn màng đến xung quanh người ta nhìn mình như thế nào nữa!”. 

Giữ lấy đạo đức nghề nghiệp để “bám” nghề 

Theo nghề đã khó, bám nghề và giữ lửa với nghề càng khó hơn. Nhà báo Nguyễn Công Thành chia sẻ: “Nếu gặp trường hợp chụp được một bức ảnh, nhưng lại không được tòa soạn dùng, thì người phóng viên ảnh cũng đừng nên quá phản ứng, hay nản lòng. Hãy cứ làm việc, chăm chút bức ảnh tốt, chú thích ảnh đầy đủ,… Nếu hôm nay, bức ảnh chưa được sử dụng, thì tấm ảnh đó sẽ trở thành nguồn tư liệu quý trong tương lai, khi cần thiết”.         

Bên cạnh những quy chuẩn đạo đức chung, người cầm máy cần luôn tự nhắc mình đừng vô cảm và hãy luôn chấp nhận dấn thân. Đạo đức nghề nghiệp của người làm ảnh báo không phải để thể hiện với mọi người, mà chủ yếu và hơn hết cho chính bản thân họ. Bởi khi ảnh lên báo, chỉ có người phóng viên ảnh mới biết tấm ảnh ấy được chụp trong hoàn cảnh như thế nào. Còn công chúng, có phải ai cũng có nghề để biết tấm ảnh này được chụp như thế nào đâu. Họ chỉ quan tâm tấm ảnh này chụp gì, nói về cái gì. 

“Nếu như không có đạo đức trong nghề nghiệp, kể cả viết hay chụp ảnh, đều có thể gây hại đến người khác, tuy nhiên, chụp ảnh thì dễ dàng bị “dính” hơn. Đạo đức nghề nghiệp là phải để con mắt máy ảnh và con mắt của người làm nghề nhập làm một, và nhìn sự việc bằng nhiều con mắt khác nhau.” – phóng viên ảnh Vũ Thanh (Báo Đại Đoàn Kết) tâm sự. 

Chúng tôi xin được tạm kết câu chuyện bằng những tâm sự chân tình trong nghề của phóng viên ảnh Trần Việt Đức, sau mười mấy năm bôn ba làm phóng viên ảnh ở nhiều tờ báo, anh đầu quân về Báo Sài Gòn Tiếp Thị, và trụ tại đây đã gần 10 năm – như một cái kết có hậu, anh tâm sự: “May mắn, tìm được môi trường làm việc tốt, có người “đọc” được và trân trọng ảnh, tôi được lao động, được làm những việc mình yêu thích,… thì tôi cho là đã đủ, đã hạnh phúc lắm rồi”…

Theo Tuyết Nhung – Nguoilambao.vn

  • (Có 4 bình chọn)

Tin bài cùng chuyên mục

Ngành An Toàn Thông Tin
Đào tạo kỹ sư ngành An toàn thông tin có khả năng thiết kế cài đặt và quản trị hệ thống mạng nói chung, có kiến thức chuyên sâu về An toàn thông tin,… nhằm đào tạo sinh viên trở thành các chuyên gia An ninh mạng, chuyên gia an ninh thông tin, an ninh hệ thống, quản trị mạng cao cấp.
Trợ lý báo chí: Nghề mới
Nếu coi người phóng viên là"chiếc cầu thứ hai" đưa thông tin đến với công chúng thì cán bộ trợ lý báo chí chính là "chiếc cầu thứ nhất"cung cấp thông tin một cách khách quan, trung thực cho các nhà báo.