Đó là trích phát biểu của PGS, TS Phạm Văn Sơn – giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực, Bộ GD-ĐT vừa qua.
Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường trường ĐH Văn Lang trong giờ thí nghiệm.
Ông cho biết: “Nhu cầu nhân lực của nước ta đã được dự báo và phản ánh rất cụ thể trong Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011. Trong Quy hoạch này đã chỉ rõ nhu cầu nhân lực của từng vùng, từng ngành, từng trình độ đào tạo. Hiện nay nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới và vì vậy việc phát triển nhân lực cũng phải tính đến đào tạo “người công dân toàn cầu” để thích nghi và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước, khu vực và thế giới”
Ông nhận định: “ Theo các thông tin cập nhật và qua thực tiễn làm quy hoạch nhân lực, tôi thấy trong 5 năm tới nhu cầu nhân lực các ngành kỹ thuật công nghệ sẽ tăng lên, nhất là nhân lực kỹ thuật cho các khu kinh tế trọng điểm và các khu công nghiệp, các vùng mà nhà nước đang đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế.
Tôi nghĩ các em học sinh chuẩn bị rời ghế nhà trường phổ thông trung học nên suy nghĩ, cân nhắc đúng để chọn cho mình một nghề vừa hợp với sở thích, khả năng, cá tính, giá trị song và phù hợp với xu hướng phát triển nghề nghiệp của thời kỳ hội nhập và nhu cầu nhân lực của xã hội trong thời kỳ đổi mới”
Ông khuyên là: “Để hiểu biết sâu rộng nghề nghiệp các em nên tìm hiểu thông tin từ các nhà tư vấn nghề nghiệp, các thầy cô giáo làm công tác hướng nghiệp, tham khảo ý kiến của cha mẹ, người thân, bạn bè và các anh chị đi trước. Các em không nên chọn nghề theo cảm tính, theo“ phong trào”. Có như vậy các em mới chọn được nghề tương lai phù hợp với mình và lúc đó các em sẽ yêu nghề đã chọn, có ý thức tự giác nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề và chắc chắn các em sẽ đạt kết quả cao trong nghề mình đã chọn.”
Huongnghiep Online tổng hợp