Nghề pha chế: Thời của các “nghệ nhân” cà phê?

Khi mà các món đá xay (ice blended), espresso, latte, cappucino… dần trở thành những thức uống yêu thích của giới trẻ thì nghề pha chế cà phê càng ngày càng trở nên hấp dẫn.

Barista - nghệ nhân của những cốc cà phê

Ngày nay, giới trẻ đã không còn xa lạ với hình thức cà phê take-away hay coffee to go (cà phê mang đi). Đặc biệt là khi “trùm” Starbucks đổ bộ và “gây bão” tại TP. HCM, cùng với việc nở rộ các quán cà phê take-away ở nhiều tỉnh, thành phố khác thì  nhu cầu được học nghề pha cà phê của các bạn sinh viên và nhu cầu tuyển nhân viên pha chế cà phê của các chủ quán đều tăng cao.

Anh Phạm Văn Quyền (nhân viên pha chế của khách sạn Intercontinental Hà Nội) cho biết: “Trong tiếng Ý, người pha chế cà phê và các loại nước khác có liên quan đến cà phê được gọi là barista.

Công việc của một barista là chịu trách nhiệm chính trong quầy pha chế, đặc biệt là điều chỉnh các máy xay, máy pha cà phê sao cho các thông số của máy phải đạt chuẩn, các kỹ thuật như xay, nén cà phê, đánh sữa, tạo hình phải chính xác để cho ra các thức uống đảm bảo yêu cầu cả về chất lượng và hình thức”.

Nghề pha chế: Thời của các “nghệ nhân” cà phê?

Những lớp học pha chế cà phê đầy nghệ thuật đang thu hút giới trẻ

Để trở thành một barista chuyên nghiệp, ngoài việc phải nắm vững cách sử dụng máy pha, thuộc lòng các công thức pha chế thì còn cần sự cẩn thận và đôi bàn tay khéo léo. “Ví dụ như khi đánh bọt sữa cho cappucino thì bông hơn, bọt sữa của latte thì mịn hơn để dễ tạo hình. Công đoạn đấy rất cần sự tập trung và tỉ mỉ. Hay khi pha một cốc espresso, tắt máy sớm hay muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến hương vị của sản phẩm”.

Hẳn là nhiều bạn trẻ đều rất thích thú với những cốc Latte Art có lớp bọt với lớp cà phê tạo thành hình trái tim, hình cái lá… Để làm được một cốc cà phê “đầy nghệ thuật” như thế”, các barista vừa phải nhanh tay, nhanh mắt, vừa phải bình tĩnh. Nhanh nhưng phải chuẩn!

Giới trẻ thích thú với pha chế cà phê

Với các bạn nữ thì điểm hấp dẫn của công việc pha chế cà phê đó là có thể tạo ra được những cốc cà phê đẹp mắt. Phương Thảo (trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) tâm sự: “Ban đầu, khi thấy hình ảnh những cốc Latte Art trên mạng, mình đã thích mê mệt.

Đặc biệt là sau khi xem phim Tiệm cà phê hoàng tử thì mình đã quyết tâm nhất định phải tìm hiểu cách pha chế cà phê cho bằng được. Pha một cốc cà phê vừa ngon vừa đẹp như thế, “ghi điểm” với tụi con trai là cái chắc!”.

 Chẳng trách mà các barista thường ưu tiên trang trí cốc cà phê theo yêu cầu của các bạn nữ. Thảo cũng kể lại rằng, có lần cô bạn đi uống cà phê và “đòi” anh pha chế phải “vẽ” bằng được hình con Mickey trên cốc Latte của mình. Không ngờ, anh barista “vẽ” được ngay, lại còn siêu đẹp làm Thảo sướng “rung rinh”, cứ ngồi ôm cốc cà phê chụp ảnh, quyết tâm đi học pha chế của bạn ấy càng tăng cao.

Nghề pha chế: Thời của các “nghệ nhân” cà phê?

   Barista không chỉ là một nghề, còn là một loại hình nghệ thuật

Khác với Thảo, Việt Anh (du học sinh tại Ý) bắt đầu yêu thích việc pha chế cà phê từ khi bạn ấy được thưởng thức một cốc cà phê Ý chính hiệu. Ban đầu là tò mò: Thật sự thì trong cốc cà phê mình uống gồm có những cái gì? Nó được tạo ra như thế nào mà khi uống lại thấy dễ chịu vậy?

Thế rồi, Việt Anh tìm hiểu trên mạng, rồi đăng ký học lớp pha chế cà phê. Ngay lập tức, anh chàng có thêm rất nhiều “fan hâm mộ”. Chính khả năng biết pha chế cà phê đã giúp Việt Anh “ghi điểm” tuyệt đối với các bạn nữ. 

Còn Hoàng Nam (Học viện Báo chí – Tuyên truyền), sau khi tốt nghiệp, Nam không theo nghề báo mà lại đi học pha chế cà phê và hiện đang chuẩn bị khai trương một quán cà phê take-away ở Hà Nội.

Nam chia sẻ: “Mình rất thích uống cà phê và đặc biệt thích pha cà phê cho người khác uống. Phải tự tay xay cà phê, đánh sữa, rồi đổ kem và sốt chocolate, bạn mới cảm nhận được hết niềm vui sướng và tự hào khi làm ra một cốc cà phê “ngọt ngào”. Trong mỗi một cốc cà phê như vậy, không chỉ có kỹ thuật pha chế mà còn có cả tình cảm của người pha”.

Cơ hội trở thành barista đang rộng mở

Ngay tại thời điểm này, các quán cà phê take-away vẫn đang mọc lên như nấm, cơ hội để bạn có thể trở thành một barista đang rất rộng mở. Chịu khó “lượn lờ” trên Facebook và trang web của các quán, “tăm tia” nhanh các quán mới mở để nắm bắt ngay cơ hội nhé! 

Anh Trung (chủ quán cà phê ở Bà Triệu, Hà Nội) cho biết: “Để ứng tuyển vào vị trí một barista, ngoài các kỹ năng pha chế cần có thì các bạn nên thể hiện được tinh thần học hỏi, nhanh nhẹn và hoạt bát. Luôn sạch sẽ và cẩn thận cũng là một lợi thế lớn”.

Các quán có thể chia ca cho nhân viên pha chế là sinh viên làm part-time, mỗi ca từ 4 – 6 giờ. Tiền lương trung bình khoảng 12.000 – 15.000 đồng/giờ. Ngoài ra bạn còn có thể được thêm tiền “tip” của khách và tiền thưởng của cửa hàng, như vậy, một barista làm part-time có thể kiếm được 3 –  4 triệu đồng/tháng.

Theo Thanh Hải - Sinh viên Việt Nam

  • (Có 4 bình chọn)

Tin bài cùng chuyên mục

Nghề
Food stylist – Nghề trang trí, làm đẹp cho món ăn là một nghề mới xuất hiện cách đây vài năm tại Việt Nam. Thu nhập khá, nhưng bấp bênh, nên số lượng người làm nghề này ở Việt Nam còn khá ít.
Độc đáo nghề
Food stylist có những yêu cầu gần giống với công việc của một nhà thiết kế thời trang. Nhiệm vụ của một họ là phối hợp ẩm thực với nghệ thuật sắp đặt các nguyên liệu, màu sắc để cho ra món ăn hấp dẫn trong các buổi thu hình.
Nghề nấu bếp: Việc nhiều, ổn định, thu nhập cao
Du lịch và nhu cầu phát triển của cuộc sống trong những năm gần đây đã mở ra cơ hội rất lớn cho nghề nấu ăn, phục vụ nhà hàng, đưa nó trở thành một nghề khá "nóng" hiện nay.
Nghề bếp không lo thiếu việc làm
Hiện nay một số nhân viên ngân hàng đang chuyển hướng sang học nghề bếp để tìm cách tiếp cận thị trường lao động quốc tế.